1. Nghỉ việc, dễ hay khó?
Đưa ra quyết định nghỉ việc chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.
Đầu tiên hãy xác định lý do muốn nghỉ việc và viết ra giấy xem liệu mình sẽ mất gì và được gì khi đưa ra quyết định này, và quan trọng hơn cả, nó có thật sự cần thiết tại thời điểm đó hay không.
Dù bạn đưa ra quyết định là gì, thì đó cũng là chọn lựa của bạn và nên có trách nhiệm với nó. Nếu bạn biết rõ mình cần gì, sẽ làm được điều gì, thì không phải nơi này, cũng sẽ có 1 nơi khác cho bạn bung lụa hết khả năng. Còn nếu vẫn còn mông lung, không biết tương lai sẽ đi đâu, không biết nhảy việc nào mới phù hợp, thì G vẫn khuyên nên chọn cách an toàn là ở lại.
2. Chán việc nên nghỉ, sếp dở nên nghỉ, lương không tăng nên nghỉ?
Làm ở môi trường nào, công việc gì và vị trí nào cũng có cái khó của nó, phải luôn đặt mình vào vị trí của người khác trong bất cứ chuyện gì và có cái nhìn thật khách quan. Không hẳn làm văn phòng thì sướng và chạy grab thì khổ. Một khi đã đi làm, người ta trả tiền, bạn bỏ công, phải chấp nhận và chuyện đó rất fair luôn. Trừ khi bạn mở công ty và làm chủ, còn vốn dĩ đi làm công cho kẻ khác đã là 1 chuyện đáng chán rồi, nơi nào cũng thế thôi.
Khi đã chấp nhận vào công ty làm việc và deal mức lương theo thỏa thuận, người ta chấp nhận trả cho bạn từng ấy lương theo đầu công việc, và bạn đã chấp nhận chuyện đó ngay từ đầu rồi, vậy thì sao phải nghỉ việc vì lý do lương không tăng?
Cuộc đời sẽ không công bằng đâu, giả sử 1 người dở hơn bạn, nhưng may mắn gặp cơ hội tốt và biết nắm bắt, họ ngày càng thành công và đạt được địa vị cao trong xã hội, trong mắt người khác họ đã rất giỏi rồi. Vậy thì nếu bạn không may mắn như họ, thì hãy cố gắng gấp 10, gấp trăm để được như vậy, đừng dậm chân tại chỗ và trách đời bạc bẽo hay chê bai người khác.
3. Hãy đặt mình vào vị trí người khác
Trước khi đánh giá ai đó, hãy luôn đặt mình vào vị trí của họ và chắc chắn luôn có lí do cho mọi vấn đề.
Cái chuyện mà G nghe được nhiều nhất khi đi làm chính là: ông sếp tao chẳng thấy làm gì cả, còn tao thì làm bục mặt, thành quả là ổng hưởng hết, thật bất công. Bạn bỏ suy nghĩ này ngay giùm G. Khi người ta đã làm sếp bạn, thì người ta đã giỏi hơn bạn rồi. Ở vị trí nào cũng có cái khó, và ở vị trí quản lí, đưa ra quyết định đôi khi còn khó hơn nhiều và có rất nhiều yếu tố tác động, không phải muốn làm gì cũng được, họ cũng có những lý do của họ mà đôi khi không thể hoặc không cần thiết phải giải thích cho bạn.
Bạn đi làm 8 tiếng rồi về nhà, cafe trà sữa với bạn bè, còn sếp quản lí cả team, cả công ty, ngoài 8 tiếng trên công ty, về nhà cũng phải có nhiều thứ để làm nữa, ngoài ra còn phải đi gặp khách hàng, tạo dựng mối quan hệ xã hội….
Nghĩ cách để run 1 brand thành công nó khó hơn chuyện bạn chỉ ngồi đó làm theo việc được chỉ định sẵn.
Ai cũng có thể làm được việc ABC được chỉ định, nhưng không phải ai cũng có thể làm người quản lí giỏi được.
Khi làm quản lí, người ta cũng chịu nhiều vấn đề chi phối, ví dụ hồi mới run văn phòng đại diện ở VN, bạn G hỏi sao không tuyển nhân viên vào hỗ trợ cho khỏe, thật ra bản thân mình nếu không nắm mọi quy trình từ a-z, mình sẽ không thể kiểm soát, hướng dẫn hoặc tuyển dụng 1 ai vào làm cho mình được, bên cạnh đó mọi việc trước khi quyết định phải đều thông qua công ty mẹ bên Nhật rồi mới run được, không phải cái gì mình muốn là làm.
Khi bạn start up bạn sẽ hiểu được chuyện đó, đặt bút kí mua 1 tờ giấy còn phải cân đo đong đếm, in namecard phải tìm chỗ rẻ và chất lượng. Còn không thì cứ làm tốt việc của mình tại vị trí của mình thôi.
4. Tự hỏi mình đã cố hết sức hay chưa?
Thời điểm này, câu hỏi G ghét nhất sau 7h tối chính là: đi làm về chưa, sao giờ còn làm gì nữa? Hết giờ làm rồi mà còn làm à?
Nếu không làm việc thì bạn làm gì? Trà sữa hay lướt điện thoại? Nó tạo ra giá trị gì?
Làm việc luôn khiến người ta sáng tạo và nghĩ ra nhiều idea. Đối với G, chưa nói chuyện cống hiến được gì cho công ty, bản thân không thấy mình có sự thay đổi, không có sự phát triển hay có bước ngoặc gì chính là bạn đang dậm chân tại chỗ, thậm chí đi thụt lùi và bị bỏ lại sau rồi. Sự thay đổi chẳng cần gì to đâu, ví dụ mỗi ngày đọc được 1 cuốn sách mới, học thêm 1 từ vựng ngoại ngữ mới, biết thêm 1 kiến thức mới về nghề cũng là 1 bước phát triển rồi.
Khi G đi làm, quan trọng là xong việc, còn chuyện giờ giấc không quan trọng. Khi còn đi làm, hầu như ngày nào cũng hơn 8pm G mới từ văn phòng về nhà, hôm nào làm event cho công ty thì 11pm ở lại văn phòng là chuyện thường, về nhà G nghỉ ngơi 1 chút rồi làm việc tiếp, không thiếu việc để chúng ta làm đâu bạn, chỉ là bạn có tìm nó hay không thôi, và khi bạn đã happy với công việc mình đang làm thì thời gian chẳng còn quan trọng nữa. Và trước khi trách người khác, hãy tự hỏi bản thân đã cố gắng 100% sức cho cái mình đang làm hay chưa.
5. Giải thích hay không giải thích khi gặp vấn đề trong công việc?
Mọi thứ xảy ra trong đời đều sẽ có lí do, nhưng Gấu luôn chọn việc im lặng và không cần giải thích nếu bản thân G cho là việc đó không cần thiết và không thay đổi được cục diện hoặc đối tượng cần nghe không có nhu cầu. Lời nói luôn là nguồn cơn của những hiểu lầm, nói ít thì sẽ hay hơn. Và nếu lời giải thích của bản thân khiến nó tác động tới 1 ai đó, G ít khi nói.
Khi gặp vấn đề trong công việc, thẳng thắng trao đổi và giải thích, biện minh cho vấn đề của mình là 2 việc hoàn toàn khác nhau, ngoài ra thì không nên đổ lỗi.
Cho dù bất kì ai đã đối xử thế nào với mình, thì hãy luôn nhớ 1 điểm thật tốt của họ, để nhắc rằng mình sẽ phải luôn nice với họ hoặc chí ít sẽ không tệ như họ đã từng. Mọi chuyện dù xấu hay tốt, bất cứ ai đi ngang qua cuộc đời cũng sẽ cho bạn 1 trải nghiệm đáng giá, bạn muốn cuộc đời mình là những trang sách hay nhạt nhẽo như cốc nước lã?
6. Bớt ảo tưởng vai trò của mình
Nếu không là bạn thì sẽ là 1 người khác, đừng nghĩ rằng mất mình rồi công ty sẽ hối hận, hoặc nhiều bạn vì sợ mất lòng, sợ công ty sẽ không hoạt động hiệu quả nếu thiếu mình, rồi sinh ra tâm lý lưỡng lự. Trên đời rất nhiều người giỏi, chỉ cần trao đổi thẳng thắng nguyện vọng của mình, người hiểu bạn sẽ tôn trọng quyết định của bạn.
7. Giữ mối quan hệ với sếp cũ và đồng nghiệp
Nếu quyết định chọn nghỉ việc, hãy ra đi cho thật khéo léo. Không phải ngẫu nhiên mà có câu hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, biết đâu được trên đường đời tấp nập, ta vô tình đụng mặt người quen. Khi làm việc hãy làm hết sức, để khi nghỉ việc mọi người vẫn trân trọng bạn.
Từ công việc đầu tiên khi mới tốt nghiệp cho đến giờ, G vẫn duy trì mối quan hệ tốt với sếp cũ và đồng nghiệp và họ luôn là người support cho những công việc tiếp theo nữa của G. Bạn đừng nghĩ mình ra đi, mình nghỉ ở đây thì cắt đứt mối liên hệ hoàn toàn. Định mệnh là có thiêt và đừng để bản thân rơi vào tình huống éo le theo kiểu sếp cũ là bạn của sếp mới chẳng hạn.
8. Trước khi nghỉ việc nên làm gì?
Làm gì cũng phải có backup, có phương án 2, 3 thay thế. Nếu bạn chọn nghỉ việc, thì hãy chắc rằng trong 2-3 tháng thậm chí nửa năm sau đó, bạn vẫn có được 1 khoản tiền trang trải cuộc sống trong quá trình tìm việc mới. Đừng để xảy ra tình trạng chán nên nghỉ việc , nghỉ xong, không có tiền xài, rồi lại luống cuống đi tìm 1 công việc khác để lấp tạm, nếu chọn phương án nhảy việc kiểu đó, bạn sẽ nhảy việc tiếp cho xem, chưa kể CV cũng sẽ xấu đi ít nhiều. Rồi lại bắt đầu một môi trường mới, con người mới và gặp những vấn đề, rắc rối tương tự.
9. Quãng thời gian nghỉ việc nên làm gì?
Trong quãng thời gian bạn đi tìm một công việc khác, hãy tìm thêm 1 vài việc part time phù hợp trang trải chi phí sinh hoạt, bên cạnh đó hãy rèn luyện thêm kĩ năng ngoại ngữ, đọc sách, đừng ở lì trong nhà, hãy ra ngoài tìm thêm cơ hội để thực hiện đam mê của mình. Một lời khuyên chân thành trong thời đại 4.0 là bạn hãy thử viết blog, nhật ký, không ai có quyền phán xét hay cho rằng chỉ có nhà văn, blogger mới được viết, việc viết sẽ giúp tâm hồn đẹp hơn, tin mình đi, công việc này sẽ dẫn bạn đến nhiều điều tuyệt hơn 1 chữ “viết” nữa. Trước khi trở thành nhà văn nhiều người cũng như bạn, họ cũng viết và chẳng ai biết họ là ai đấy sao.
Bắt đầu lại từ đầu luôn là việc không dễ, nhưng không phải không thể, chậm chậm cũng được, nhưng chắc chắn sẽ nhận được thành quả miễn là bạn có làm, còn hơn không làm gì cả.
Bài viết liên quan: