Có nên sử dụng mỹ phẩm gia công OEM/ODM ?

Thị trường làm đẹp, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe tại Đông Nam Á nói chung đặc biệt là Việt Nam nói riêng thật sự rất tiềm năng, nhưng nhiều năm qua vẫn là cuộc chơi của các ông lớn từ các quốc gia phát triển như Pháp, Mỹ, Hàn, Nhật Bản…

Nếu nhiều năm trước, miếng bánh lớn này thuộc về các tập đoàn, thương hiệu đã có tên tuổi trên thị trường Thế Giới thì vài năm trở lại đây xuất hiện thêm những thương hiệu nội địa lâu năm, thậm chí các công ty vừa và nhỏ của các nước sở tại lần lượt đổ bộ vào Việt Nam. Họ nhận ra mỏ vàng chưa được khai thác hết mức.

 

Các thương hiệu không chỉ đổ bộ một cách đơn lẻ, họ phối hợp cùng nhau, họ vào mở chuỗi, xây dựng hệ thống cửa hàng dành riêng cho mặt hàng đến từ quốc gia của họ.

Ai nhanh chân vào thị trường sớm thì sống tốt, vào chậm hơn chút thì khá chật vật, nhất là khi thị trường bão hòa, cạnh tranh giữa các thương hiệu với nhau, cạnh tranh với hàng giả, hàng xách tay, hàng nội địa , hàng OEM/ODM (gia công).

Nếu thương hiệu không có gì đặc biệt, không có điểm nhấn, đặc biệt là các thương hiệu vừa và nhỏ, thương hiệu nội địa, nhảy vào thị trường càng chậm thì càng khó bơi.

 

 

Ở Việt Nam, cũng ít ai quan tâm đến thành phần sản phẩm là gì, trừ khi bạn dùng key word marketing hiệu quả, đi truyền thông teach người dùng hiệu quả. Những cụm từ collagen, hyaluronic acid một thời làm mưa làm gió cũng dần hạ nhiệt, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến cá tính, câu chuyện của thương hiệu hơn.

 

Có 3 trường hợp phổ biến mình thấy gần đây và khá nổi trội trên thị trường làm đẹp:

 

Sản phẩm có chất lượng tốt nhưng tâm lý người dùng e dè hàng gia công OEM/ODM và founder người Việt.

Thực ra miễn là bạn có tiềm lực tài chính tốt thì không có thiếu nhà sản xuất uy tín và chất lượng cao thậm chí được cố vấn bởi các chuyên gia đầu ngành gia công sản xuất OEM/ODM cho bạn. 

Công bằng mà nói thì có một vài thương hiệu gia công OEM/ODM có chất lượng rất tốt thậm chí siêu tốt, vì thành phần sản phẩm cũng không khác hàng original là bao, thậm chí được thiết kế tốt hơn, nhưng để cạnh tranh với thương hiệu đã có tên tuổi thì đường còn lắm chông gai, khi tâm lý người dùng còn khá e dè với cụm từ gia công và founder Việt.  

Tại Việt Nam, chỉ cần là thương hiệu được sản xuất tại các nước phát triển như Nhật, Hàn, đa phần người dùng sẽ tin cậy và sử dụng không đắn đo. Nhưng chỉ cần là sản phẩm made in Việt Nam hoặc thương hiệu Việt có owner Việt Nam nhưng sản phẩm được sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc, bao bì made in Japan/Korea thì sẽ bị đặt dấu chấm hỏi, bị đặt nghi vấn về chất lượng. Tâm lý người tiêu dùng muốn made in Japan/Korea/somewhere thì owner/founder phải là người Nhật/Hàn, nên khi không tìm được thông tin của brand OEM/ODM đấy tại các website Nhật, Hàn thì đánh giá brand đó là hàng kém chất lượng, hoặc dùng từ bình dân là kem trộn để đánh giá về sản phẩm. Điều này mình thấy hơi tiếc, giải pháp trong trường hợp này chẳng có cách nào khác ngoài việc rõ ràng, minh bạch, tạo cá tính cho thương hiệu, mình nghĩ một thương hiệu tiếp cận người dùng bằng trái tim thật sự thì sẽ nhận được sự yêu thích từ người tiêu dùng, chẳng cần phải đánh tráo khái niệm.
Và bên cạnh đó mình cũng hi vọng người dùng khi mua sản phẩm hãy tìm hiểu thông tin thật kĩ, tránh trường hợp mua xong thì hỏi liệu sản phẩm có tốt hay không. Và OEM/ODM KHÔNG PHẢI hàng handmade.

 

Cá tính thương hiệu có đủ sức lôi kéo người dùng?

Nói về cá tính và câu chuyện thương hiệu, mình chắc rằng không chỉ mình mà còn nhiều người nhìn ra được vấn đề này và bắt đầu xây dựng những câu chuyện khá “deep” vào content của nhãn hàng trên social channel, đặc biệt là các start up Việt. Nhưng mà vẽ vời càng nhiều tỉ lệ nghịch với chất lượng, viết cho hay nhưng sau khi trải nghiệm và sử dụng sản phẩm, dịch vụ xong chỉ thấy thất vọng, đó là điểm mà mình trải nghiệm, cảm nhận. Do đó, câu chuyện, cá tính thương hiệu hãy đi cùng chất lượng.

(Mục số 2 này chắc không chỉ có mỹ phẩm đâu mà các ngành khác mình cũng cảm nhận tình trạng tương tự)

 

Thương hiệu Việt Nam chật vật giữa các thương hiệu ngoại quốc!?

Mình chưa thấy ở quốc gia nào chỉ cần là sản phẩm made in Viet Nam thì lại bị đặt dấu chấm hỏi “liệu nó có tốt hay không, tin được không!?”. Mình biết rất nhiều thương hiệu nước ngoài gia công sản xuất hoặc nhập nguyên liệu thô trực tiếp từ Việt Nam về nước họ sản xuất tạo thành sản phẩm và bán lại cho chúng ta. Nhiều khi mình nghĩ rằng Thái Lan, một đất nước láng giềng với điều kiện thiên nhiên khí hậu khá tương đồng Việt Nam, nhưng họ có rất nhiều local brand chất lượng như Thann, Sabai Arom rất hay ho, nhưng Việt Nam lại chưa nhiều thương hiệu nào lấy được cảm tình người tiêu dùng trong (hoặc ngoài) nước, hoặc ít ra mình chưa thấy  concept thương hiệu nào hay ho có thể truyền cảm hứng (trừ những thương hiệu Việt lâu năm như Thorakao, Thái Dương… lão làng có chất lượng tốt và mạnh về xuất khẩu thì mình không nói đến). 

Mình luôn tin là chỉ khi bạn xây nền móng cho bản thân thật chắc, thì đi chậm một chút cũng được, nhưng sẽ đi được đường dài, dù là thương hiệu nhỏ hoặc lớn, chất lượng và cá tính thương hiệu thật sự quan trọng, khác biệt hay là chết. Dù sao thì đây cũng chỉ là quan điểm cá nhân của mình, sẽ có người đồng tình, có người không, bạn đón nhận thông tin một cách cởi mở nhé. Và mình cũng chắc chắn sắp tới, khi thị trường ngoại bão hòa, hàng local Việt (không chỉ có mỹ phẩm, kể cả nông sản, thực phẩm) sẽ lên ngôi, đang và sẽ như vậy. Mình đang test một vài brand khá hay, sắp tới sẽ review cho bạn.