Chuyện đi làm trong ngành làm đẹp

Dù mình không còn tiếp tục với công ty cũ khá lâu rồi, nhưng giờ đây khi nhìn những sản phẩm của công ty, hình ảnh, nội dung dần phổ biến trên thị trường, được bạn bè, người tiêu dùng đón nhận mình thấy vui vui, nhớ thật nhiều những ngày đầu khó khăn, mình xây dựng brand Shiratori tại Việt Nam từ con số không, khi mà chẳng ai biết đến thương hiệu, dù đã hơn thế kỉ tại Nhật Bản, launching mỹ phẩm đã khó, tạo dựng thương hiệu cho thực phẩm chức năng còn khó khăn hơn nhiều vì chẳng phải ai cũng dám uống thử một sản phẩm mới, nhưng may mắn mình vẫn được sự ủng hộ, hỗ trợ từ nhiều người.

Mình thường nhận được nhiều câu hỏi từ một số bạn trên blog là làm thế nào để được làm trong ngành làm đẹp, và làm thế nào để được làm công việc về mỹ phẩm như Gấu. Hôm nay cũng có chút thời gian, mình chia sẻ một số ý như sau:

Để tồn tại trong nghề hoặc để tạo dựng một sản phẩm thành công thì ngoài đam mê làm đẹp là điều kiện cốt yếu thì có những điều bản thân Gấu thấy nên phải có:

 

  • Quyết đoán và có khả năng thuyết phục

Có quan điểm, có lập trường, có khả năng thuyết phục và độ nhạy bén về thị trường làm đẹp là điều rất quan trọng để launch một brand mới vào Việt Nam .

Khi làm một người đứng giữa thị trường, khách hàng VN và những vị sếp Nhật Bản thì khó khăn áp lực tăng lên rất nhiều, một phần vì có những vấn đề bạn phải linh động giải quyết để đưa ra quyết định, người Nhật tài giỏi – không ai có thể phủ nhận, nhưng khi họ vào một thị trường mới, nhu cầu khách hàng và tính cách con người bản địa khác với họ, do đó người đứng giữa như branch manager cần có cá tính, sự quyết đoán và khả năng thuyết phục cao để trong một vài trường hợp, có thể thuyết phục được bên Nhật Bản hiểu được quy trình và cách vận hành của thị trường VN, của vấn đề mà cả bạn và họ gặp phải, đi đến sự đồng thuận để đem lại điều tốt nhất cho công ty, cho thị trường VN.

Nếu bạn là người không có khả năng thuyết phục, không quyết đoán và không có chính kiến, trong một số vấn đề quan trọng, góc nhìn của sếp không phù hợp với thị hiếu của khách hàng và hướng đi của công ty tại VN, sẽ  dẫn đến một số thứ bị sai hoặc không tốt như mong đợi, nếu thế, bạn sẽ phải giải thích lí do và đôi khi không thể đổ lỗi cho ai được.

 

  • Hiểu rõ sản phẩm và độ nhạy bén về thị trường

Có độ nhạy bén về thị trường, hiểu rõ sản phẩm dẫn đến việc biết chọn hướng đi đúng trong tương lai, giản lược trở ngại khi ra mắt thương hiệu.

Một điều mình từng gặp khá nhiều và nhận thấy là không ít người không có kiến thức về làm đẹp cũng như sản phẩm họ bán, không chỉ nhân viên kinh doanh mà quản lí cũng vậy, mình luôn thấy là họ chỉ thuộc lòng bài học được chỉ dẫn trước đó mà không có độ hiểu sâu cơ chế hoạt động của sản phẩm, sự khác biệt của sản phẩm so với những thương hiệu khác hoặc thậm chí không có kiến thức dưỡng da cơ bản để tư vấn được nhiều hơn mà chỉ đi giới thiệu sản phẩm của họ. Với mình, mỗi một cá nhân trong công ty đều đại diện cho nhãn hàng mình đang làm và bản thân họ phải nắm rõ sự khác biệt của sản phẩm họ đang bán, ngoài ra có nhiều kiến thức liên quan đến thị trường, thành phần sản phẩm phổ biến trên thị trường, các phương pháp dưỡng da khác nhau. Với mình thì mình luôn yêu cầu phía Nhật gửi toàn bộ research, các tài liệu đã nghiên cứu trước đó về sản phẩm dịch và đọc , đọc thành phần,  lường trước những câu hỏi khách hàng VN sẽ hỏi nhãn hàng và đặt câu hỏi lại cho phía bên Nhật, ví dụ :vì sao thành phần A dùng sẽ tốt hơn thành phần B, tại sao sản phẩm này uống vào lại trắng nhanh hơn sản phẩm kia, sản phẩm A phụ nữ mang thai uống có được không, vì sao…

Trước khi ra mắt sản phẩm, bên Nhật cũng luôn gửi các mẫu thử qua để mình tìm hiểu, trải nghiệm và đánh giá, lựa chọn bao bì, chọn hình dáng sản phẩm, đặt tên sản phẩm trước khi bắt đầu sản xuất và bán.

 

  • Không ngại khó

Khi mình tiếp nhận brand, công việc của mình không chỉ kết nối với khách hàng hoặc ngồi văn phòng giải quyết giấy tờ mà mình phải đi thị trường liên tục, đi giao lưu kết nối với những cửa hàng, spa, hoặc thậm chí phải tự tay đi gửi leaflets, voucher, namecard tại những khu vực trong thành phố HCM mà mình cho là có khả năng tiếp cận nguồn khách mình cần. Việc đi thi trường (hay trong nghề gọi là đi field) khiến mình có cái nhìn thực tế hơn, quan sát thị trường kĩ hơn thay, có nhiều mối quan hệ hơn thay vì chỉ ngồi trên mạng tham gia các group làm đẹp hoặc đọc tin tức thị trường trên mạng.

 

  • Tự coi mình là một phần không thể thiếu của brand

Tư duy làm chủ, tư duy start-up là một phần rất quan trọng khi làm bất kì ngành nghề nào đặc biệt là khi bạn được giao nhiệm vụ quản lí một brand, khi bạn có tư duy làm chủ, nghĩa là mọi hành động và suy nghĩ của bạn đều hướng tới lợi ích chung của tập thể, của thương hiệu, từ đó dốc hết sức, có trách nhiệm hơn, bạn có thể bỏ qua cái tôi cá nhân và những vấn đề nhỏ không ưng ý để vì mục tiêu chung. Và với mình bất cứ ai mình gặp đều có khả năng trở thành một khách tiềm năng trong tương lai, ngay cả bạn bè cũng vậy – có nghĩa là hãy luôn tự hào và tự tin về sản phẩm mình đang bán, thay vì mãi đi than thở với người quen bạn bè về thương hiệu bạn đang làm, word of mouth marketing (tiếp thị truyền miệng) chưa bao giờ là cũ kĩ, nó luôn hữu hiệu trong thời 4.0.

 

  • Những điều không đẹp khi làm trong ngành làm đẹp bạn phải chấp nhận

Khi bạn làm trong bất kì ngành nghề nào, đăc biệt là beauty, việc có những bạn hàng, người làm cùng nghề, đối thủ kinh doanh là điều không thể tránh. Nhưng không nên có tư duy hễ ai làm cùng nghề beauty cũng là đối thủ của bạn. Hãy học cách biến họ cùng mình trở thành một cộng đồng support lẫn nhau. Thật ra không hiếm trường hợp dìm hàng đối thủ trong nghề trên mạng xã hội, sau lưng ta hoặc bạn gặp những người không có kiến thức về làm đẹp, sản phẩm của họ không tốt bằng ta nhưng lại nói quá sự thật về sản phẩm. Đôi khi mình cũng sẽ hơi khó chịu nhưng quy tắc làm nghề của Gấu là nước sông không phạm nước giếng, không nói xấu nghề nghiệp, không nói xấu đối thủ, khách hàng thông minh họ sẽ tự cần biết cân nhắc, chúng ta chỉ nên đưa thông tin khách quan, có kiểm chứng để họ có thể tự so sánh.

 

  • Có thể học những chuyên ngành nào để có cơ hội làm trong ngành làm đẹp? Không được học về beauty liệu có cơ hội nào trong ngành làm đẹp

Hiện nay có rất nhiều trường tại nước ngoài cũng như trong nước có đào tạo về ngành làm đẹp. Thật ra nếu bạn có định hướng về làm chuyên gia hoặc đi giảng dạy, nghiên cứu, bạn có thể chọn đúng chuyên ngành làm đẹp. còn nếu không may không được học đúng ngành mà vẫn thích được làm trong nghề thì vẫn được. Bạn có thể có bất cứ bằng cấp chuyên môn nào nhưng tốt hơn hãy giỏi thêm một ngoại ngữ ngoài tiếng Anh, vì nó là điều k iện rất thuận lợi để bạn nhảy lên vị trí cao hơn trong nghề và tiếp cận được những người giỏi.

Một số trường đào tạo mỹ phẩm hiện nay:

Nếu học chuyên về nghề sản xuất mỹ phẩm ở VN mình thấy có trường Cao Đẳng Công Nghệ Cao Đồng An FDCD có ngành mỹ phẩm, ở Pháp có trường ISIPCA, Universite Le Havre, ở Đài có trường Kaoshiung Medical University, China Medical University…

Ở China Medical University thì có ngành mỹ phẩm hệ đại học 4 năm học bằng tiếng hoa, bạn có thể apply vào trường nhưng cần có TOCFL 3, học master thì có học bằng tiếng anh. Được một điều là trường này không yêu cầu bạn phải có bằng cấp liên quan về science hoặc biological như ISIPCA hoặc các trường khác ở châu Âu.

Bản thân mình học chuyên ngành quản trị kinh doanh và không có background về ngành mỹ phẩm, nhưng mình có cơ hội được đi làm ở những công ty mỹ phẩm từ vị trí nhỏ nhất là cho đến khi lên được vị trí branch manager cho công ty Nhật chỉ sau 3 năm, mình thấy chọn công việc đầu tiên như thế nào tạo tiền đề quan trọng cho những công việc của bạn sau này. Bạn có thể nhảy bất cứ công việc gì nhưng miễn là biết mục tiêu của bạn là gì, Nếu bạn không có đủ chi phí để học một trường ở nước ngoài về nghề, thì cân nhắc việc đi làm một thời gian trong ngành nghề có liên quan để có kinh nghiệm và tích lũy chi phí, sau đó đi học lại để nâng cao kiến thức cũng không muộn. Như mình sau một thời gian đi làm cho các công ty hiện nay mình cũng mong muốn được đi học lại khi có thời gian, với mình thì bằng cấp về ngành nghề rất quan trọng, việc học chưa bao giờ là đủ một khi đã đam mê.

(Ảnh: Trường ISIPCA)

 

  • Làm về mỹ phẩm có nhất thiết chỉ là đi bán mỹ phẩm hay không?

Mỹ phẩm không chỉ có bán hàng, bán lẻ, bạn không chỉ đưa sản phẩm ra thị trường và bán lẻ, phân phối qua hệ thống đại lí, cửa hàng, mà còn có thể bán theo dạng B2B – gia công mỹ phẩm/sản phẩm làm đẹp cho một thương hiệu khác. Nghĩa là miễn là bạn có tiềm lực tài chính tốt thì không có thiếu nhà sản xuất uy tín và chất lượng cao thậm chí được cố vấn bởi các chuyên gia đầu ngành gia công sản xuất OEM/ODM cho bạn. Công bằng mà nói thì có một vài thương hiệu gia công OEM/ODM có chất lượng rất tốt thậm chí siêu tốt, vì thành phần sản phẩm cũng không khác hàng original là bao, thậm chí được thiết kế tốt hơn, nhưng để cạnh tranh với thương hiệu đã có tên tuổi thì đường còn lắm chông gai.

Ngoài ra nếu bạn có bằng về sản xuất mỹ phẩm thì có làm bên bộ phận nghiên cứu phát triển sản phẩm cũng khá thú vị.

Gauthichcafe