4 quán ăn chính gốc Quảng Đông tồn tại hơn 3 đời ở Sài Gòn

Đa số là những quán ăn Quảng Đông, do người Hoa bán đến tận ngày hôm nay vẫn vô cùng đông khách. Cả gia đình 3 thế hệ đều biết tên, nhớ vị
 
Hủ tíu cá Phát Mập


Quán nằm khiêm tốn trong một căn nhà nhỏ bề ngang chưa tới 1 mét trên đường Calmette quận 4. Có tuổi đời hơn 75 năm, nay đã là thế hệ thứ ba đứng bếp, hủ tíu cá ở đây vẫn là điểm ăn sáng quen thuộc của rất nhiều người Sài Gòn.
Quán bán theo phong cách người Hoa, hủ tíu mì sử dụng sợi hủ tíu mềm, mỏng, bản to, mì sợi vàng, ăn kèm với thịt cá lóc thái mỏng hoặc gan heo, thịt heo. Nước lèo được nấu bằng xương tủy heo nên trong veo, thanh nhẹ, thơm mà không ngấy.


Mở bán từ tầm 5 rưỡi sáng, đến đây bạn sẽ bắt gặp rất nhiều người lớn tuổi ghé đến ăn bữa điểm tâm. Có những ông cụ, bà cụ, tuổi đã thất thập cổ lai hy, sau khi từ tốn dùng xong tô hủ tíu sẽ ngồi lại điềm đạm uống chén trà nóng hay một ly cafe đá. Sài Gòn bình yên như thế, thơm thảo ngon lành như thế, vẫn còn tồn tại ở thời này, nếu bạn đến đúng nơi.

 

 

Mì Tàu Thiệu Ký


Tuổi đời của xe mì Thiệu Ký đến nay cũng đã hơn 70 năm. Ở khu Chợ Lớn, xe mì Tàu không ít, nhưng kiếm được xe mì ngon, sợi mì kéo tay đúng vị ngày xưa và chén nước lèo thơm ngọt nhưng thanh không mỡ chẳng dễ lắm đâu.


Sợi mì Thiệu Ký bí truyền được làm ra bằng cách trộn bột mì với hột vịt, nước tro Tàu, rồi ủ một thời gian sau mới mang cắt tay thành sợi. Chính nguyên tắc làm hoàn toàn chuẩn mực và thủ công đó khiến từng sợi mì vẫn giữ được độ dai thơm hoàn hảo. Ngoài hủ tíu mì, bạn có thể gọi thử hủ tíu mì sườn hầm, các loại điểm tâm há cảo xíu mại.


Xe mì Thiệu Ký nằm trong con hẻm  nhỏ xíu, xe mì vẫn là chiếc xe gỗ với tấm biển hiệu và những tấm kính ốp mang hình vẽ giai thoại Quan Công, Lữ Bố – Điêu Thuyền…

 

 

 

 

Ăn tô mì ở Thiệu Ký không chỉ là đang ăn một bữa xế, làm no cái bụng, sướng cái mồm đang thèm. Mà hơn thế, là sự cảm thức giá trị lịch sử lâu đời của cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn. Đó là nếp sống chăm chỉ, hiền lành, hào sảng và rất trung thành tận tụy với sự nghiệp cha ông, dù đó chỉ là một xe hủ tíu mì.

Hàu chiên trứng Phùng Hưng


Đã có rất nhiều bài báo viết về hàu chiên trứng ở đường Phùng Hưng, thế nhưng ít ai biết rằng, món ăn này thật ra đang ngày càng trở nên khó tìm. Hàu chiên trứng phải dùng hàu sữa (còn nhỏ), gốc hàu phải chọn ở nơi uy tín để hàu tươi, không sạn cát. Cách chiên phải khéo léo, kinh nghiệm để không bị nát vì cả trứng và hàu sữa đều là món mềm. Bên ngoài cháy chảo nhẹ, bên trong vẫn ẩm ngọt.


Tôi còn nhớ khi còn nhỏ, được cho đi ăn hàu chiên trứng là một niềm vui sướng dữ dội lắm. Bởi xe hàng này chỉ dọn ra buổi tối và bán đến khuya, thế nên hôm nào được đi ăn, tức đó là ngày nghỉ học và tôi sẽ được đi chơi Sài Gòn đêm với ba mẹ. Không có bảng hiệu, cũng chẳng có gì cao sang, chỉ một chiếc xe lớn để chế biến, thêm tầm 5 cái bàn và mấy cái ghế nhựa. Thế thôi, mà xe hàu chiên trứng này đã là một điều gì đó rất…Sài Gòn, rất “china town”, là bởi ở Sài Gòn chẳng ai bán món này, hay nói đúng ra là chẳng còn người Hoa nào bán món này đủ lâu trên 30 năm như gia đình nhỏ ở góc đường Phùng Hưng.


 

 

 

Lẩu cá Dân Ích


Vào những năm 90, ai rủ đi ăn lẩu cá Dân Ích là biết là đi ăn “nhà hàng” rồi. Một bữa ăn ở lẩu cá Dân Ích là một bữa sang, một bữa ngon, một bữa ăn mà không phải muốn ăn là được. Đến ngày hôm nay, Dân Ích vẫn giữ những nét truyền thống như sử dụng nồi lẩu nhôm được đốt than ở giữa (nồi cù lao), các loại cá gộc, cá viên, mực ngâm…hương vị không thay đổi. 


Nhiều người Sài Gòn di cư, xa quê, mỗi lần về Việt Nam đều nhất định phải đến Dân Ích ăn một nồi lẩu cá đậm vị nóng hổi, sôi lục bục. Quán đã có từ những năm 1960, vẫn giữ nguyên cách ăn và thực đơn với món lẩu hải sản thập cẩm, ăn cùng hủ tíu hoặc mì sợi, các loại rau.

 

 

 

Khác với cách ăn hiện đại, khi nồi lẩu được dọn ra thì tất cả thịt cá đều đã ở trong nồi rồi. Bạn chỉ cần nhanh tay đảo đều, ăn từng miếng cá hoặc tôm vừa chín tới, nhớ chấm với xì dầu dấm và ớt sa tế để thật dậy hương vị.


Dù có thể thay đổi về cách quạt than, quán cũng được xây lại cho rộng rãi, sạch sẽ và sáng sủa hơn. Nhưng lẩu cá Dân Ích cũng như truyền thống sống và làm ăn của người Hoa ở Sài Gòn: giữ vững giá trị truyền thống và nét đẹp của ông bà, của nơi khai nghiệp. Chính vì lẽ đó, trải qua bao nhiêu năm đi nữa, khu người Hoa ở Sài Gòn vẫn giữ trọn vẹn sắc màu cổ điển là thế.

Xuân Nguyệt